Điểm mặt những phong tục đẹp trong ngày Tết người Việt
Trong tâm thức mỗi người dân đất Việt, Tết mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Đây là dịp gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau, tạm biệt năm cũ và chào đón năm mới tràn ngập may mắn và niềm vui. 8 phong tục đẹp tới đây là điều bất cứ gia đình Việt nào cũng nên làm trong dịp Tết đến xuân về.
1. Chơi hoa
Ngày Tết mà trong nhà không có hoa tươi khoe sắc thì coi như đã mất đi một nửa không khí xuân mất rồi. Chơi hoa là cái thú của người Việt đã được hình thành từ bao đời nay. Hoa vừa tăng tính thẩm mỹ vừa làm không khí xuân thêm tưng bừng, rộn ràng khắp muôn nơi.
Nếu ngày Tết ở miền Bắc không thể thiếu hoa đào thì sắc vàng lấp lánh niềm vui của hoa mai luôn hiện diện trong mỗi căn nhà của người miền Nam. Ngoài ra thủy tiên, quỳnh cũng là loài hoa không thể thiếu với những ai sành chơi hoa. Cùng với xu hướng ngoại nhập, thì những loài hoa như tulip, cúc, lan,.. cũng được nhiều nhà ưa thích trưng trong dịp Tết.
Đào là loài hoa không thể thiếu trong ngày Tết Bắc Bộ
2.Tiễn ông Công ông Táo
Cứ đến 23 tháng Chạp là nhà nhà lại làm lễ tiễn ông Công ông Táo lên trời. Đây là phong tục tốt đẹp của người Việt đã được duy trì hàng nghìn năm nay. Trong ngày này, các gia đình thường làm một mâm cơm cúng tươm tất, mua mũ áo và cá chép cho các ông lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng về một năm đã qua.
3. Đi chợ Tết và xin chữ
Nếu bạn không đi chợ Tết thì đã bỏ lỡ cả mùa xuân. Chợ Tết không chỉ là dịp mua sắm quần áo mới, lá dong, thịt, đồ dùng ngày Tết,.. mà còn là cơ hội gặp gỡ, trao đổi giữa những người bạn thân tình, những người hàng xóm láng giềng với nhau.
Ngoài ra, đây cũng là dịp đi xin chữ thầy đồ về treo trong nhà, mong cho con cháu học hành giỏi giang, làm ăn phát đạt. Tuy nhiên, truyền thống tốt đẹp này đã bị mai một dần cùng với sự phát triển của xã hội.
Xin chữ là phong tục tốt đẹp của người Việt
4. Gói bánh chưng
Gói bánh chưng bánh dày là một nét đẹp trong văn hóa người Việt. Truyền thống này được bắt nguồn từ truyền thuyết người con hiếu thảo Lang Liêu làm bánh dâng lên tổ tiên.
Trong những ngày cận Tết buốt giá, thật không gì tuyệt vời hơn việc ngồi thao thức trông nồi bánh chưng, vừa ấm áp lại tràn ngập niềm vui.
5. Lau dọn nhà
Để có một cái Tết vui vẻ, nhiều tài lộc thì dọn nhà được xem như một việc không thể bỏ qua. Trước Tết một vài ngày, nhà nhà lại rủ nhau rục rịch phát quang cây cối, lau dọn, sửa sang. Một căn nhà khang trang, sạch sẽ sẽ mang lại cảm giác tươi vui, ấm cúng hơn trong dịp Tết đến xuân về.
6. Đón giao thừa
Giao thừa được xem là thời khắc thiêng liêng nhất trong một năm. Nó là cột mốc quan trọng trong việc đất trời chuyển mình sang năm mới. Trong đêm 30, mọi trẻ em đều được bố mẹ cho phép thức quá 12 giờ để đón chào năm mới. Cùng với việc bắn pháo hoa tại nhiều điểm trên cả nước thì giao thừa càng trở lên đặc biệt hơn.
7. Xông đất
Xông đất là việc “trọng đại” trong suốt một năm ròng. Người Việt thường tính tuổi, tính giờ để chọn người phù hợp xông đất nhà mình. Một người hợp tuổi sẽ giúp gia chủ có một năm làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn.
8. Lễ
“Mồng một lễ cha, mồng hai lễ mẹ, mồng ba lễ thầy” là quan niệm bao đời của người Việt. Trong những ngày đầu năm mới, việc đi thăm hỏi những người có công ơn với mình luôn được đặt lên đầu tiên.