Lịch trình du lịch Dublin trong một ngày
Cẩm nang khám phá Amsterdam thật khác
Vào ngày 25 tháng 4 năm 1986, một nhóm các kĩ sư tại lò phản ứng hóa học ở Chernobyl bắt đầu chuẩn bị một cuộc thử nghiệm “được cho là an toàn”. Trong cuộc thử nghiệm này, một số hệ thống thiết yếu đã bị bắt buộc tắt đi vì lí do cuộc thử nghiệm mô phỏng sự cố mất điện. Thật không may, những hệ thống bị tắt, cùng với các sai sót nghiêm trọng trong thiết kế, và tất nhiên, cả những sai lầm của con người đã tạo điều kiện cho một phản ứng hóa học khủng khiếp không thể nào kiểm soát được. Điều này đã được ghi nhận trong lịch sử với cái tên Lò phản ứng số 4.
Và cho đến lúc những người vận hành phát hiện ra vấn đề, thì mọi chuyện đã không còn gì có thể cứu vãn.
Một vụ nổ hơi khổng lồ tỏa ra lượng cực lớn các sản phẩm phân hạch vào khí quyển, và chỉ ngay hai đến ba giây sau, là vụ nổ thứ hai, ném vào khu vực xung quanh những mảnh vỡ từ các bồn nguyên liệu và cả những mảnh than chì nóng rực lửa. Cuộc khủng hoảng này còn khủng khiếp hơn cả quả bom nguyên tử đã phá hủy Hiroshima, Nhật Bản hồi năm 1945, ngay lập tức đã có hai người chết ngay tại chỗ. Không dừng lại ở đó, 134 người khác đã phải nhập viện vì bệnh phóng xạ ngay sau đó (trong số đó có cả các nhân viên nhà máy và các nhân viên ứng phó khẩn cấp được huy động tới).
Người ta ước tính rằng tất cả lượng khí xenon trong nhà máy, khoảng một nửa lượng iod và xêzi, và ít nhất 5% lượng chất phóng xạ còn lại trong lõi lò phản ứng đã được phóng thích trong tai nạn. Hầu hết các sản phẩm của vụ nổ là bụi và các mảnh vụn, còn những sản phẩm nhẹ hơn đã được gió đem tới Ukraina, Belars, Nga và thậm chí còn lan tới khắp Scandinavia và toàn bộ Châu Âu.
Đó là một thảm họa khủng khiếp cho toàn thể Liên Xô cũ, cho tới ngày nay, thảm họa Chernobyl vẫn được coi là thảm họa hạt nhân lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Hơn 45,000 cư dân đã được sơ tán khỏi khu vực đó, đặc biệt là ở trung tâm thị trấn Pripyat, nơi khu điều hành nhà máy tọa lạc (nơi này nằm cách thủ đô Kiev hơn 100km về phía bắc). Vào ngày 4 tháng 5, tất cả những người dân sống tại thành phố Chernobyl trong bán kính 30 cây số đã được sơ tán và di dời khỏi địa bàn. Những tàn tích còn lại của Lò Phản ứng số 4 được bao phủ bởi một bức tường khổng lồ bằng thép và bê tông, nhằm ngăn chặn những cơn gió đem bụi và các mảnh vụn nguy hiểm lan rộng ra hơn nữa, trong khi các nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động. Chẳng hạn như Lò phản ứng số 3 vẫn còn sản xuất điện cho cả khu vực, cho tới khi nó bị đóng cửa vào đầu những năm 2000.
Trong những năm tiếp theo sau vụ thảm họa Chernobyl, hơn 210,000 người khác đã được nhà nước tái định cư ở các khu vực ít bị ôm nhiễm hơn, và khu vực bị ảnh hưởng có bán kính 30km ban đầu đã được mở rộng thành 4,300km vuông. Hơn 1,000 người sau đó đã trở về và sinh sống lén lút trong khu vực bị ô nhiễm.
Trong những năm gần đây, nhiều công ty du lịch đã mở bán những tour tham quan Chernobyl. Mặc dù vài nơi vẫn còn một lượng ô nhiễm bức xạ nhỏ, nhưng chúng được ghi nhận là không có mối nguy hại đáng kể nào (mặc dù vậy, tôi không khuyến khích bạn động chạm đến những nguồn bức xạ này). Các tour du lịch khá thú vị, nhưng cũng không kém phần đáng lo ngại. Mọi người đã đóng gói mọi thứ và chạy trốn khỏi nơi này trong vội vàng, và cho đến nay trông tổng thể thành phố Chernobyl vẫn chẳng khác gì những bức ảnh chụp từ năm 1986. Trông chúng đáng sợ, lẻ loi và rất u ám.
Trong tour du lịch này, bạn sẽ được đến thành phố Chernobyl, đi qua Dytyatky, là ranh giới dẫn vào khu vực chứa phóng xạ. Khi tới đây rồi, bạn sẽ được thăm các lãnh đạo của sở ban ngành “Chernobylinterinform”, họ sẽ cho bạn biết tất cả về vụ thảm họa năm ấy. Sau đó bạn sẽ được chiêm ngưỡng những chú cá nhiễm phóng xạ và cho chúng ăn ở trong hồ nước làm mát lò trước đây, rồi sẽ đi tới xem Lò phản ứng số 4 hiện nay đã được bao phủ tất cả trong bê tông kiên cố.
Sau đó tour tham quan sẽ dừng lại ở gần “Khu rừng đỏ”. Cái tên này xuất phát từ màu nâu đỏ của những cây thông trơ trụi, sau khi chúng chết sạch bởi lượng bức xạ quá cao trong không khí.
Cuối cùng, bạn sẽ được đi tới thăm Pripyat là nơi những người dân đã sơ tán hết ngay sau trận thảm họa. Không có gì ở đây, ngoài những ngôi nhà bỏ hoang cả chục năm trời, và một vài kẻ khùng luôn muốn quay lại đây sinh sống. Cuối cùng chuyến đi kết thúc, tất cả các khách tham quan sẽ được quay trở lại điểm xuất phát để kiểm tra nhanh lượng bức xạ, rồi cả đoàn trở về lại Kiev.
Tour tham quan thành phố ma Chernobyl ngày nay một ngày có giá từ 110 USD cho một người, trong khi một tour kéo dài 2 ngày có thể lên tới 300 USD. Tour tham quan này khởi hành và kết thúc đều ở Kiev, và thường họ sẽ bắt đầu chuyến hành trình từ sáng sớm và quay trở lại sau bữa tối. Chernobyl nằm cách Kiev khoảng 2 giờ lái xe.
Tất cả các tour thì đều có nội dung giống hệt nhau, chúng chỉ khác nhau ở thương hiệu của công ty du lịch cung cấp tour và giá cả mà thôi. Trong số đó có hai công ty đáng tin cậy hơn cả là Chernobyl Visit và ChernobylStore.
Việc tự do tham quan thành phố ma Chernobyl là không được phép, trừ khi bạn là nhà báo. Nhưng để làm được điều này, bạn sẽ phải tự thuê xe hơi, trả tiền xăng và vượt qua hàng chục vòng kiểm soát gắt gao chỉ để nhận được một chiếc thẻ nhà báo, thì tôi cũng không chắc điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều tiền. Các hướng dẫn viên du lịch thì rât chuyên nghiệp, nên tôi dám chắc là bạn sẽ cảm thấy số tiền bỏ ra thật sự xứng đáng!